4. Giữ gìn gia bảo
Một hôm Phật bảo các Thầy Tỳ Kheo rằng:
Này các Tỳ Kheo! Trong hàng đệ tử của ta có chia làm bốn hạng người. Thế nào là bốn?
1. Hạng người ngoài chín trong sống.
2. Hạng người ngoài sống trong chín
3. Hạng người ngoài sống trong sống
4. Hạng người ngoài chín trong chín.
Thế nào là hạng người ngoài chín trong sống? Tức là những kẻ tu hành bên ngoài thấy thanh tịnh nghiêm trang mà bên trong thì buông lung, tư tưởng không thể điều phục.
-Thế nào là hạng người ngoài sống trong chín? Tức là những kẻ bên trong thanh tịnh nhưng ngoài thì hạnh thô tháo phóng túng.
-Thế nào là người ngoài sống trong sống? Tức là những kẻ trong ngoài đều không thanh tịnh.
-Thế nào là người ngoài chín trong chín? Tức là những kẻ trong ngoài đều thanh tịnh.
Này các Tỳ Kheo! Chính hạng người sau cùng này mới là hạng thanh tịnh chơn thật, xứng đáng là người giữ gìn gia bảo của Như Lai.
BÌNH:
Đọc qua bốn hạng người trên, chúng ta mỗi người hãy tự kiểm điểm lại xem mình thuộc hạng người nào? Chúng ta có phải là kẻ chỉ lo trau giồi cái hình tướng bề ngoài cho trang nghiêm thanh tịnh ra dáng tu hành tinh tiến lắm, nhưng trong lòng để rơm rác đầy dẫy, chất chứa bao nhiêu là tư tưởng xấu xa đen tối mà không hề có phút giây chiếu soi trở lại, điều phục lấy mình. Thật hổ thẹn xiết bao! Có biết đâu dối người thì đặng nhưng dối mình thì không thể được. Một khi nhân duyên chín mùi, chiếc áo đẹp bên ngoài rã nát thì những gì chứa ẩn bên trong lâu nay nó bày hiện ra cả, nhân nào quả nấy, chúng ta tự thọ khổ, che đậy được đâu? Ngoài chín mà trong sống không thể dùng được.
Hoặc kẻ bên ngoài thì buông lung phóng túng, hạnh lại thô tháo, có ai nhắc nhở cho thì bảo: “Tôi tự giữ bên trong”. Thật lầm to! Nếu bên trong đã được thanh tịnh thì cớ gì lại hiện tướng thô tháo? Trừ một vài trường hợp Bồ Tát hiện thân đặc biệt, vì cảm hóa một số người nào đó, còn ngoài ra e rằng chúng ta bị ma mê hoặc mà không hay. Dù quả thật chúng ta có được trong lòng như “Thánh” chăng nữa, song chung quanh chúng ta bao nhiêu người họ còn đang sống với phàm tình, đâu hiểu thấu được bên trong chúng ta thế nào. Do vậy, thấy hành động chúng ta qua thô, họ đâm ra hủy báng chánh pháp, chê bai Tam Bảo; vô tình chúng ta đưa họ vào con đường tội lỗi càng sâu. Như vậy chúng ta cũng chưa tròn được bản nguyện tự lợi, lợi tha. Cho nên dù chúng ta có được trong lòng vô sự chăng nữa, nhưng vì lợi tha cần phải cẩn thận oai nghi không thể thô xuất. Đừng để trong chín mà ngoài sống.
Còn kẻ cả trong lẫn ngoài đều chẳng thanh tịnh thì sao? Hy vọng chúng ta không thuộc hạng này!
Hạng sau cùng, trong tâm sáng ngời với trí tuệ. Ngoài thân giới hạnh tinh nghiêm không chỗ khiếm khuyết gọi là “Như ngọc lưu ly ngậm ánh trăng” suốt cả trong ngoài. Quả thật một bậc trí và hạnh tròn đầy, không để cho thế gian tim thấy lỗi. Được như vậy thì khỏi phải cầu Như Lai thọ ký nhưng Thế Tôn đã tán thán lắm rồi! Vậy chúng ta có phải là hạng này chăng?
Xét kỹ lại, bốn hạng trên tuy nói riêng biệt, song nhìn lại trong mỗi chúng ta cũng tự có đủ cả, đâu lạ gì? Lúc ngoài thân thanh tịnh mà trong tâm thô động là hạng thứ nhất chứ gì? Lúc ngoài thân tuy thô động mà trong tâm giữ gìn được thanh tịnh là hạng thứ hai. Lúc cả trong ngoài đều thô động là ở hạng thứ ba. Lúc trong ngoài đều thanh tịnh là ở hạng thứ tư.
Ba hạng trước, hai hạng 1 và 3 thì thiếu thật tu, hạng hai có tu nhưng còn khuyết điểm, chỉ hạng thứ thứ tư mới là chơn thật tròn đầy.
Tóm lại, nếu chúng ta chưa hẳn như hạng thứ tư này thì phải cố gắng thêm lên cho được khế hiệp, sau này sẽ là bậc lợi lạc khắp nhân thiên.
5. Con vật nào mạnh hơn
Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật kể câu chuyện:
Như có sáu con thú: khỉ, dã can, cá sấu, chim, chó sói, rắn. Người ta bắt sáu con thú này cột chung lại một chùm. Mỗi con đều dùng hết sức mạnh của mình lôi mỗi hướng. (Khỉ lôi lên cây, cá sấu lôi xuống biển, chim bay lên hư không, dã can lôi vô gò mả, rắn lôi vô hang, chó sói lôi vô bụi rậm). Trong trường hợp ấy nếu con nào mạnh sẽ kéo những con khác theo hướng của mình nhắm.
Cũng thế, mỗi căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của phàm phu, nếu căn nào huân tập chủng tử mạnh, nó sẽ lôi cuốn các căn khác chạy theo nó.
Ví dụ: Như mắt bị nhiễm sắc chạy theo sắc, thì tai cũng ảnh hưởng nhiễm nghe những tiếng của sắc. Mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như vậy. Vì thế, Tỳ Kheo các ông phải dùng cây trụ “Thiền Quán” để cột sáu con lại, khi vùng vẫy mệt nó sẽ đứng yên.
BÌNH:
Phật nói sự tương quan của các căn. Căn đối với cảnh nó hấp dẫn tạo thành sức mạnh gọi là “nghiệp”. Bởi nghiệp mới có năng lực dắt dẫn chúng sanh luân hồi trong lục đạo. Vậy muốn chận đứng động cơ tạo nghiệp, người tu phải dùng Thiền quán làm cây cột trụ để cột nó dừng lại.
Thiền quán cánh nào? Quán thân năm uẩn này do duyên hợp tạm có rồi không. Đã do duyên hợp thì đâu có gì thật có và thường còn. Quán thấy rõ như thế thì không còn niệm đắm trước, là cắt đứt dòng tham ái và không còn tạo nghiệp, tức là ra khỏi dòng luân hồi vậy.
Cũng trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật kể câu chuyện: Có một ông vua, một hôm đang ngồi, bỗng nghe bên cạnh có người khảy đàn Tỳ bà, tiếng kêu thâm trầm lảnh lót. Vua bảo đem đàn lại cho vua xem. Người khảy đàn đem cây đàn lại để trên bàn trước mặt nhà vua.
Vua hỏi: “Sao nó không phát ra tiếng hay”.
Người kia giải thích: “Vì nó thiếu tay người khảy”.
Vua bảo đem cây đàn ra chẻ từng mảnh và hỏi: “Tiếng đàn ở chỗ nào?”.
Và cuối cùng Vua bảo: “Nếu không tìm được tiếng đàn thời hãy đốt nó đi!”.
Khi đốt cây đàn thành tro vua liền thổi tro bay theo mây khói, nói: “Chỉ có một chút đó mà làm mê hoặc bao nhiêu người”.
Thân ngũ uẩn giả hợp này cũng như cây đàn kia không khác. Đủ duyên thì giả hợp tạm có, khi duyên hết thì tìm lại có còn đâu?
6. Động cơ gây ra khổ
Thôn trưởng Na Ca Dà hỏi Phật:
-Bạch Thế Tôn, nguyên nhân nào kích động các khổ?
Phật hỏi: -Nếu trong thôn ông có người chết hoặc có người bị tai nạn, ông có buồn khổ không?
-Bạch Thế Tôn, có khi buồn khổ, có khi không.
-Tại sao? -Nếu những người chết hoặc bị tai nạn ấy là bà con thân quyến của con thì con buồn khổ. Trái lại con không buồn khổ.
Phật kết luận: -Gốc của sự buồn khổ là do lòng tham ái vậy.
BÌNH:
Động cơ chính của khổ đau là lòng tham ái. Mà cội gốc của tham ái là do chấp ngã mà ra. Từ chấp ngã nên có ngã sở, tức những liên hệ đến bản ngã như tài sản, vợ con, quyến thuộc v.v… Nếu được thì vui, cố tình giữ gìn không khi nào dám lơi lỏng, lỡ bị mất mát thì buồn bả, khổ đau v.v…
Vì thế trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:
Do ái sanh ưu
Do ái sanh bố
Nhược ly ân ái
Hà ưu hà bố
Dịch:
Do ái sanh lo
Do ái sanh sợ
Nếu lìa ân ái
Đâu lo đâu sợ
7. Quả có theo nhân không?
Một Cư Sĩ đến hỏi Phật:
-Bạch Thế Tôn, con nghe ngoại đạo nói người sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối phải bị cảm thọ đau khổ có đúng chăng?
Phật đáp:
-Chưa đúng hẳn! Ví dụ: Như có người ra trận giết được nhiều địch quân, khi về được vua phong thưởng. Như thế tuy sát sanh mà đâu có khổ. Trái lại nếu người ấy giết quan đại thần trong nước sẽ bị tội.
-Ví như có người đến đánh nước khác lấy được tiền của châu báu chở về nước mình, sẽ được vua phong thưởng. Như thế tuy làm việc trộm cướp nhưng đâu có khổ. Trái lại, nếu trộm cướp của vua quan sẽ bị bắt bớ tra tấn khổ sở.
-Ví như có người đến kẻ địch của vua đánh bắt gái đẹp đem về làm người hầu cho vua, sẽ được vua phong thưởng. Như thế tuy làm việc bất chánh cũng được vua khen thưởng đâu có khổ sở. Trái lại nếu tư tình với thê thiếp của vau quan sẽ bị hình phạt lưu đày.
-Ví như có người dùng mưu kế dối gạt nước để chiếm lấy đất đai về cho nước mình sẽ được vua khen thưởng. Tuy là dùng lời dối gạt nhưng đâu có khổ. Trái lại, nếu nói dối với triều đình sẽ bị trừng trị.
BÌNH:
Qua thí dụ nói trên, chúng ta thấy người sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối đâu nhất định hiện đời phải chịu quả khổ (có kẻ khổ người vui). Như thế, căn cứ lý nhân quả của Phật dạy có đúng chăng? Tuy nhiên lý nhân quả không sai một mảy, chẳng qua chúng ta chỉ nhìn trên hiện tại mà không biết quá khứ thấy được vị lai. Hể tạo nhân nào thì kết quả nấy, như sát sanh phải đền mạng, trộm cướp phải trả nợ oan khiên v.v… Kinh Nhân Quả, Phật nói: “Giả sử trăm ngàn muôn kiếp nghiệp không mất, nhân duyên đến quả báo tự mình chịu”. Vậy chúng ta phải có cái nhìn rộng rãi và thấu đáo lý nhân quả của Phật dạy để khỏi lầm lẫn trong cuộc sống.
8. Tai hại ngũ dục
Một hôm đức Phật kêu các thầy Tỳ Kheo nói:
-Ví như trên núi tuyết, chỗ đất bằng người thú qua lại. Có kẻ lấy nhựa cây gài bên thức ăn để nhử đàn khỉ. Một vài con khỉ vì tham ăn, rời khỏi đàn tìm đến bên thức ăn lấy tay bốc. Ngờ đâu tay vừa bám vào liền bị nhựa dính cứng! Chú khỉ bèn lấy tay kia gỡ ra, thương thay! Lại dính luôn một tay nữa. Chú khỉ lại lấy chân mặt quào ra, và một chân nữa lại dính luôn vào nhựa. Tiếp theo chân trái đồng dính cứng cả. Khổ thay! Chú khỉ chỉ còn cái mồm, chú hy vọng dùng mồm để cạp may ra thoát khỏi. Nhưng than ôi! Nhựa cây kia cũng không chừa lại. thế là hai tay, hai chân và cái mồm chú khỉ dính cứng vào nhựa cây. Thật đáng thương! Người thợ bẩy kia có thể xách chú đi đâu tùy ý.
Này các Tỳ Kheo! Nhựa cây kia ví như ngũ dục, còn năm bộ phận (hai tay, hai chân và cái mồm) dính vào nhựa ví như năm căn.
-Mắt dính sắc.
-Tai dính thanh.
-Mũi dính mùi.
-Lưỡi dính vị.
-Thân dính xúc.
Như chú khỉ kia, khi năm bộ phận dính cứng vào nhựa cây thì tùy ý người kia đem đi. Cũng vậy, người nào năm căn dính cứng vào ngũ dục thì tùy ý ma dẫn đi.
Tóm lại vì không chịu ở nơi địa vực của mình nên mới bị nạn khổ. Thế nào là ở nơi địa vực của mình? Tức là quán “Tứ niệm xứ”. Người thường quán tứ niệm xứ thì không bị lôi, không bị dẫn. Cũng như chú khỉ kia nếu ở trong đàn thì không bị nạn.
BÌNH:
Ngũ dục vốn không hại người, chỉ tại người bỏ quên chánh niệm mà đam mê ngũ dục. Như chú khỉ kia vì ham ăn mà tách ra khỏi đàn nên chịu khổ. Cho nên người tu không khó, chỉ đừng đam mê ngũ dục. Nhưng ngũ dục vốn không lỗi, lỗi tại tâm dấy niệm. Mà dấy niệm tức là động, động thì chẳng phải chánh niệm. Trái lại, tâm nếu không thì cảnh vốn lặng, tuy ở trong ngũ dục mà thường giải thoát. Cho nên trong Tín Tâm Minh có câu:
“Muốn đến nhất thừa, chớ ghét sáu trần.
Sáu trần không ghét, hoàn đồng chánh giác”.
9. Hành động không cố định
Có một vị Ni Kiền Tử đến Phật nói rằng: -Nếu sát sanh, trộm cướp, tà dâm v.v... thì phải đọa địa ngục. Và nếu làm việc gì ở thời gian dài thì ta sẽ hưởng điều đó.
Phật bảo: -Ông nói như vậy không đúng.
Tại sao? Vì nếu nói như ông thì trên thế gian này không mấy ai đọa địa ngục. Nếu làm việc gì thời gian dài sẽ hưởng điều đó, thì sát sanh trộm cướp chẳng hạn, trong một ngày họ chỉ cần hành động chốc lát là xong, ngoài ra thời gian còn lại họ làm việc khác. Như vậy, thời gian sát sanh v.v... thì ngắn, thời gian làm việc khác dài, do đó họ sẽ hưởng cái thời gian dài kia.
Thứ hai nói đến sát sanh, trộm cướp, tà dâm v.v... phải đọa địa ngục thì trên đời này không có ai tu được cả. Vì sao? Vì tu hay không tu cũng phải đọa địa ngục thôi. Do đó, ta chỉ nói chớ sát sanh, trộm cướp, tà dâm v.v... và nếu lỡ phạm thì hãy sám hối, sửa đổi.
BÌNH:
Chúng ta có cái lầm chấp là cái gì cũng cố định cả. Thiện cố định là thiện, ác cố định là ác, bất di, bất dịch. Chấp như vậy thì không có ai tu hành được, nó cố định như vậy rồi, có tu đi nữa cũng không thay đổi được gì. Vô tình đưa nhau đến chỗ đánh liều, lỡ lầm cho lỡ lầm luôn, không còn hy vọng vươn lên. Vì vậy Phật bác cái chấp tạo ác cố định đọa địa ngục, đem lại cho chúng ta niềm tin ở sự cải thiện. Hy vọng vươn lên, trổi dậy, đâu cam chịu giam mình mãi mãi trong tối tăm, tội lỗi!
Còn nói, nếu làm việc gì ở thời gian dài sẽ hưởng điều đó. Giả sử thời gian dài ta làm việc thiện, chỉ thời gian ngắn làm việc sát sanh, trộm cướp v.v… hỏi có phải đọa địa ngục không? Do đó hai câu này có điều mâu thuẫn nhau vậy.
10. Nguyên nhân có kiến chấp
Một Cư sĩ hỏi Phật:
-Bạch Thế Tôn, tại sao ngoại đạo có sáu mươi hai kiến chấp? Như họ chấp: thế giới thường còn, thế giới vô thường, thế giới hữu biên, thế giới vô biên, thân này thật có, thân này không thật có, Niết bàn còn có, Niết bàn không còn có v.v...
Phật đáp:
-Do có thân kiến (chấp thân) nên có cái kiến chấp như thế. Vậy ông có biết thân kiến là gì không?
Cư sĩ thưa: -Do chấp sắc uẩn là ta, là của ta, thọ uẩn là ta, là của ta, tưởng uẩn là ta, là của ta, hành uẩn là ta là của ta, thức uẩn là ta là của ta, đó là thân kiến.
Phật khen: -Đúng thế!
BÌNH:
Do chấp ngã (ngũ uẩn làm ta) nên có tranh tụng, từ đó sanh ra sáu mươi hai kiến chấp. Nếu thấy được thân ngũ uẩn giả hợp này như điện chớp, như bọt nước, như sương mai, thì các kiến chấp cũng theo đó mà dứt.
11. Kiết sữ và bị kiết sử
Hai Tôn giả cãi nhau về nghĩa kiết sử và bị kiết sử. Một vị bảo kiết sử và bị kiết sử tên tuy khác mà nghĩa đồng. Vị kia nói tên khác nghĩa khác. Hai vị cãi nhau nhưng không ngã lẽ, đến cầu Phật xin giải quyết.
Phật dạy:
Dụ như hai con bò (một đen một trắng) bị tròng vào một cái ách. Vậy con nào trói cột con nào, hay tại cái ách trói cột cả hai con, làm cho mất tự do?
Cũng thế, mắt thấy sắc “niệm dấy khởi” tức trói cột (kiết sử), chớ mắt và sắc nguyên lai là vô sự. Năm căm kia: tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như vậy.
BÌNH:
Căn trần không lỗi mà lỗi bởi “thức”. Thức có phân biệt tốt xấu, v.v… mới khởi niệm yêu ghét, tham sân theo đó mà hiện. Do có tham sân nên mới tạo thành nghiệp dẫn đi trong luân hồi. Trái lại, nếu không khởi niệm yêu ghét thì tham sân không khởi, tham sân không khởi thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp tức là dứt sanh tử. Để làm sáng tỏ ý này, xin dẫn bài kệ của Cổ đức:
Kiến sắc phi can sắc
Văn thinh bất thị thinh
Sắc thinh vô ngại xứ
Thân đáo Pháp Vương thành.
Dịch:
Thấy sắc không dính sắc
Nghe tiếng chẳng mắc tiếng
Sắc tiếng nếu không ngại
Thẳng đến thành Pháp vương (Phật).
12. Tạo cái vui nào là nhân tốt
Một vũ kịch sư đến hỏi Phật:
-Con nghe ngoại đạo nói: Ai vũ kịch hay làm cho nhiều người vui, sau khi chết sẽ sanh lên cõi trời “Hý tiếu” có phải vậy chăng?
Phật lặng thinh không đáp.
Ông lập lại câu hỏi trên ba lần.
Phật mới nói: -Người vũ kịch vui làm tâm người buông lung, ba độc (tham sân si) dấy khởi. Do tạo nhân ấy sẽ mắc quả báo sanh địa ngục “Hý tiếu”.
BÌNH:
Người ta dễ ngộ nhận, cứ nghĩ nếu làm bất cứ việc gì cho người khác vui thích là được phước lành. Nhưng họ đâu biết vui có nhiều thứ. Nếu vui trong tịch tỉnh trong sáng, dứt các vọng niệm, phù hợp với đạo lý là vui trong sạch, vui giải thoát. Trái lại, vui theo ngũ dục, chạy theo sắc đẹp, tiếng hay v.v… làm tâm thần dao động, phiền não phát sinh, là vui theo trần tục, kiết tập nhân sanh tử. Như vậy, nếu người tạo nhân nào gây cho người khác cái vui nào, kết quả lên xuống rõ ràng không thể lầm lẫn.
13. Pháp vẫn còn đó
Ngài Xá Lợi Phất tịch, ông Cunda sau khi thiêu xong gom lấy Xá lợi cùng y bát của Ngài đem đến trình Phật.
Ngài A Nan trông thấy buồn bã thưa với Phật:
-Ngài Xá Lợi Phất là thầy giáo giới cho con, con thường tin tưởng nơi Ngài, mà nay đã tịch rồi! Ôi chán ngán quá! Con không còn đủ tinh thần để tu nữa!
Phật hỏi A Nan:
-Xá Lợi Phất tịch, nhưng giới uẩn có đem theo chăng?
-Thưa Thế Tôn, không đem theo.
-Định uẩn có đem theo không?
-Thưa Thế Tôn, không đem theo.
-Tuệ uẩn... cho đến giải thoát tri kiến uẩn có đem theo chăng?
-Thưa Thế Tôn, không có đem theo.
Phật bảo:
-Như vậy, Xá Lợi Phất tuy đã tịch nhưng “pháp” vẫn còn đó, ông cứ y đó mà tu hành, cớ gì phải buồn chán?
BÌNH:
Chúng ta có thói quen trông cậy bên ngoài mà ít khi tin tưởng nơi mình. Trên đường tu hành còn xa, nếu không sáng suốt nhận ra chánh pháp để thực hành đem lại niềm tin vững chắc cho chính mình, cứ phải trông cậy nơi thầy bên ngoài mãi, e có lúc ta phải chới với giữa đường, không chỗ nương tựa. Vì thầy dù có thương xót giúp đở chúng ta, nhưng cũng giới hạn.
Còn tự nhận ra “pháp” mới chính là ông thầy chơn thật giúp ta trên trọn quãng đường. “Pháp” đó ở đây Phật gọi là Giới, Định, Huệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến, chỗ khác gọi là Trí Tuệ Bát Nhã, Pháp thân hay Bản Lai Diện Mục.
Chúng ta khéo sống với cái ấy mới là chỗ nương tựa lâu dài; khỏi phải buồn lo mất mát, xa lìa.
14. Dễ quên hay dễ nhớ
Có ông Bà La Môn tu Mật tông đến hỏi Phật:
Con có khi có những bài chú chưa từng học mà bỗng nhiên nhớ cả, có khi có những bài chú đã học thuộc lòng mà lại quên, như vậy là sao?
Phật nói:
Có hai nguyên do:
1. Khi quên là bị năm món triền cái (tham, sân, thùy miên, trạo hối, nghi hoặc) nó che đậy khiến tâm trí bị mờ đi, do vậy dễ quên.
2. Khi nhớ, lúc rảnh rang tạm thời xa lìa năm món triền cái, nên tâm trí sáng suốt nhớ được nhiều việc. Ví dụ: Như một bát nước trong, ta đem hòa vào màu xanh, vàng, đỏ... làm mất đi sự trong suốt, nên nhìn vào bát nước ta khó thấy được mặt mày.
Cũng vậy, khi tâm có sự tham nhiễm thì làm mờ đi trí sáng suốt. -Như bát nước trong đem đun sôi sùng sục, nhìn vào đâu thấy được mặt mày.
Cũng vậy, lúc ta nổi sân thì tâm sôi động, bứt rứt, quên mất sáng suốt. -Như bát nước trong bị rong rêu phủ, nhìn vào chẳng thấy được mặt mày.
Khi thùy miên, tâm trí mơ màng khó nhớ. -Như bát nước trong bị lắc lư dao động, ta nhìn vào, mặt mày dao động khó thấy.
Cũng vậy, khi trạo hối thì tâm không yên nên khó nhớ. -Như bát nước trong, vừa quấy động vừa để chỗ tối, lúc nhìn vào ta cũng không thấy được mặt mày.
Cũng vâỵ khi tâm nghi hoặc thì trí bị mờ, không nhớ được việc lâu xa.
Tóm lại, có năm món triền cái (triền: trói buộc; cái: phủ che) thì trí nhớ lu mờ, không năm món triền cái thì trí nhớ sáng lẹ.
BÌNH:
Điều này cho chúng ta thấy cái sáng suốt vốn sẳn có nơi tâm thể bình thường, chớ không từ đâu đem lại, chỉ vì tâm khởi thất thường trở thành điên đảo vọng động nên cái sáng suốt ẩn đi như là tâm trong sáng bị che phủ bởi năm triền cái.
Muốn trí tuệ sáng soi chúng ta cứ sống trở lại với tâm bình thường (như bát nước trong) thì năm món trói buộc kia không còn che phủ nữa, ngay đó trí tuệ hiện tiền không đâu xa cả.