TÌNH THƯƠNG SẼ KHÔNG CÒN KHI NGƯỜI TA CẦN NGON MIỆNG
Tình thương là cây linh dược trị lành mọi bệnh khổ của chúng sanh. Vậy mà, con người nỡ đang tay bẻ cành chặt nhánh khiến nó sắp lụi tàn. Cũng may! Nó còn sót lại vài cành già và đang nẩy ít chồi non. Mong rằng nhân loại nhận thức được giá trị tuyệt vời của nó, ra công bảo vệ, vun tưới cho nó phát triển sum sê, thật là hạnh phúc vô vàn của nhân loại. Vô tình hay cố ý, chúng ta phá hoại cho cây linh dược tàn lụi đi, đây là một mất mát lớn lao của nhân loại, không có gì bù đắp được.
Chú Ba nhà ở gần chùa, chú nuôi một con gà mái, đẻ được một đàn gà con. Ðàn gà con mỗi con đều tròn trịa dễ thương. Sáng nào chú cũng hốt một nắm gạo ra đứng trước sân kêu "túc, túc", gà mẹ dẫn đàn gà con chạy ùa ra vây quanh chú, mổ những hạt gạo do chủ rải, chúng nuốt ngon lành. Chú nhìn đàn gà con có vẻ trìu mến. Có lẽ đàn gà con cũng nhìn chú là ông chủ quí kính đang yêu thương nuôi dưỡng chúng. Tình của chú Ba và đàn gà con càng ngày càng sâu đậm hơn. Trải mấy tháng sau, đàn gà con đã lớn thành gà giò (gà vừa ăn thịt). Hôm nay nhà chú Ba có khách, cũng như mọi hôm, sáng chú nắm gạo ra giữa sân đứng kêu "túc, túc", đàn gà chạy lại bu quanh chú, vừa bỏ gạo chúng ăn chú vừa chụp lấy một con. Con gà bị chụp la hoảng lên, đàn gà còn lại chạy tứ tán. Tiếng la thất thanh của con gà không làm động tâm chú chút nào. Sau đó, nó còn bị cột chân, và cuối cùng lôi ra cắt cổ. Tiếng la cứu mạng và gắng sức vùng vẫy đành đạch để thoát chết của con gà, không làm sao lay chuyển được ý định của chú. Thế là xong một đời của con gà, để làm mồi ngon cho người chủ mến thương trước kia. Tình thương của chú Ba đối với đàn gà con, chỉ có khi chưa cần làm thức ăn ngon miệng. Ðến khi cần thịt gà làm thức ăn, thì tình thương ấy liền biến đi như mây khói!
Ở chùa có nuôi hai con chó, một con tên Tiểu Hỷ, một con tên Tu Tu. Sáng nào hai con cũng vật lộn nhau ành ạch ở trước sân, hai đứa săn đuổi nhau, đè cắn cạp nhau một cách thân tình. Mỗi khi trông thấy hai đứa đùa giỡn nhau, tôi cũng vui lây. Dù là súc sanh, chúng cũng biết vui đùa, cũng biết thân yêu nhau như con người nào khác. Song, khi thằng Tiểu Hỷ được quí Cô cho một tô cơm, đang ăn ngon lành, thằng Tu Tu chạy đến gần, thằng Tiểu Hỷ liền nhe răng hầm hừ, thằng Tu Tu đành lấm lét tránh xa. Ngược lại cũng thế, khi thằng Tu Tu đang ăn, thằng Tiểu Hỷ lại gần, cũng bị thằng Tu Tu nhe răng hầm hừ. Sau bữa ăn chúng cũng vui vẻ chơi lại với nhau. Qua hình ảnh hai con chó, chúng ta thấy khi có món ngon, khi cần no bụng mình, tình đồng loại không còn có mặt. Chúng có thương nhau không? Nếu không thương, tại sao lại liếm nhau một cách trìu mến, vật lộn nhau một cách thân tình. Thế mà chỉ cần có một cục xương, một tô cơm, chúng liền đổi tình bạn trở thành địch thù. Tình người có thế không?
Có một gia đình ở tỉnh xa đến qui y với chúng tôi. Thời gian sau, những đứa con khôn lớn, cha mẹ già yếu. Cha mẹ tương đối khá giả, nên làm di chúc chia của cho con. Trong di chúc không biết phân chia thế nào, vài đứa con chạy lên tìm tôi nhờ khuyên giải hộ cho cha mẹ chúng phân chia công bằng, đừng cho đứa nhiều đứa ít, khiến con cái thấy cha mẹ bất công không tốt. Tôi liền khuyên chúng nó: "Cha mẹ sanh ra con, nuôi dưỡng cho học hành đến lớn khôn, lập gia đình có đôi bạn rồi, công ơn cha mẹ không thể nào kể hết. Giả sử cha mẹ nghèo không có tiền của thì con cái cũng phải làm ra tiền để nuôi dưỡng cha mẹ, mới tròn bổn phận làm con. Huống là cha mẹ khá, con đã khỏi nuôi, lại được chia của cho, dù được bao nhiêu cũng tốt, đòi hỏi thêm làm gì để phiền lòng cha mẹ. Tụi con thấy, có lắm gia đình cha mẹ chết sớm, nhà nghèo, con cái cũng phải bươn chải để sống, vậy mà cũng có nhiều người lập nên sự nghiệp. Sánh với tụi con hiện nay quá tốt, cha mẹ còn sống, lại được chia của, dù ít cũng hơn người ta quá nhiều rồi. Thôi, là con hiếu phải nghe lời cha mẹ, đừng phiền trách tổn phước." Chúng không bằng lòng, thưa với tôi thế này: "Thà là không có gì hết, còn có mà chia đứa nhiều đứa ít là bất công, không chấp nhận được." Tôi đành im lặng. Chúng chào tôi ra về với vẻ còn bực tức. Không bao lâu, cha mẹ chúng đến thăm tôi. Nhân khi thăm hỏi, tôi đem việc chia của cho con ra khuyên: "Làm cha mẹ, hai đạo hữu phải xử sự với con cái cho công bằng. Nếu có của nhiều chia cho chúng nhiều, có ít chia cho chúng ít, đừng để đứa nhiều đứa ít nó phân bì không tốt." Hai vợ chồng thưa với tôi: "Bọn con của chúng con, đứa nào phá của thì chúng con chia ít, đứa nào biết giữ của thì chia nhiều, như vậy mới công bằng." Ðến đây tôi hết ý kiến. Thời gian sau, tôi nghe những đứa con được chia của ít, đã kiện cha mẹ chúng ra tòa. Tôi đành thở dài, cảm thấy mình bất lực, không đủ biện tài để giáo hóa đệ tử, thật đáng buồn! Song càng đau buồn hơn khi thấy con người là khôn ngoan hơn con vật, vậy mà cũng vì sự ăn mặc tài sản, đối với người thân trở thành kẻ thù. Thiết nghĩ ai thân hơn anh em, ai tình thâm nghĩa nặng bằng cha mẹ, mà chỉ vì một chút ít tài sản, biến thân thành thù, đổi ân nghĩa thành đối địch. Thật tình đời càng ngẫm càng đau lòng biết mấy!
Nhân loại trên hành tinh này có thật tình thương nhau không? Nếu quốc gia này với quốc gia khác giao hảo tốt đẹp với nhau, khi quốc gia này bị thiên tai bão lụt, hoặc động đất, quốc gia kia liền gởi lương thực, thuốc men, tiền bạc sang giúp đỡ. Ðến khi nào đó, hai nước va chạm quyền lợi nhau, nếu dùng tài ngoại giao bàn luận mà không giải quyết xong, sẽ dùng đến quân đội vũ khí để sát phạt nhau. Người ta thương nhau chỉ khi nào không đụng chạm đến quyền lợi, một khi đụng chạm đến quyền lợi, sẵn sàng sát phạt nhau. Bởi vậy trên thế gian này thân thù thay đổi khó lường. Tình thương của nhân loại bị giới hạn trong một phạm vi nhất định, quá phạm vi đó tình thương liền tan biến. Cho đến những người nhân danh mang tình thương đến cho nhân loại, song cũng bị hạn chế trong những điều kiện nhất định nào đó, ngoài ra nó có thể biến thành địch thù.
Qua những dữ kiện trên, khiến chúng ta nghi ngờ tình thương con người có thật hay không? Hay nó chỉ có trên ngôn từ, ngoài cửa miệng? Ðây là chỗ bi quan của những nhà đạo đức chân chánh, cũng là tiếng còi báo nguy của những người làm việc từ thiện xã hội.
Với con mắt của Phật giáo, muốn nuôi dưỡng tình thương cho được sinh sôi nẩy nở mãi và vượt ra ngoài phạm vi giới hạn, chúng ta phải dùng con mắt trí tuệ thấy rõ thân phận của con người. Sở dĩ chúng ta khép chặt cửa tình thương là bị tham lam cuồng nộ, si mê thôi thúc che đậy. Một khi con mắt trí tuệ mở sáng rồi thì ba con quỉ ác độc ấy bị yếu thế. Từ đó cánh cửa tình thương chúng ta mới mở rộng thênh thang. Làm sao chúng ta mở sáng mắt trí tuệ? Chúng ta phải nhìn xem, phải xét kỹ đời sống con người sự thật như thế nào! Mạng sống của chúng ta được bao lâu? Trong khoảng thời gian sống của chúng ta có an ổn hoàn toàn không? Những người trước chúng ta và đồng thời với chúng ta có thực sự hạnh phúc không? Chỉ cần quán sát kỹ ba vấn đề này thì con mắt trí tuệ của ta bừng sáng.
Trước nhất chúng ta quán sát mạng mình sống được bao lâu? Thật là không có gì bảo đảm và cố định hết. Chúng ta đang sống ở phút giây này là biết mình đang sống, qua phút giây khác chưa biết mình ra sao. Biết bao cái chết chóc đang chờ chực sẵn bên mình và trong người mình. Bước đi sẩy chân cũng có thể té chết. Lái xe sơ ý cũng có thể đụng chết. Ngồi phi cơ hỏng máy cũng bị rơi chết. Một mạch máu não vỡ cũng chết. Quả tim ngưng đập cũng chết v.v... Bởi thế, Phật bảo "mạng người sống trong hơi thở". Ðã biết mạng sống mình là bất định, là vô thường, không có một tí gì bảo đảm, tại sao chúng ta không thương yêu nhau, đùm bọc nhau trong những giờ phút mà chúng ta còn được sống với nhau? Tham lam thù hận để làm gì, để cho ai, khi mạng sống của mình rất mỏng manh rất tạm bợ? Tại sao chúng ta không xí xóa cho nhau, không hòa thuận với nhau để cho những phút giây sống này được an lành vui vẻ. Chính nhờ thấy rõ mạng sống của mình chợt còn chợt mất mà lòng tham lam thù hận tan biến dần, lòng thương nhân loại cùng chung số phận như mình càng rộng mở.
Thứ đến, chúng ta quán sát xem từ khi mở mắt chào đời đến phút giây chúng ta hiện sống này, toàn khoảng thời gian đó đời sống của chúng ta có hoàn toàn an ổn không? Chắc chắn ai cũng trả lời rằng không. Bao nhiêu năm qua, đời sống của chúng ta đã từng trải lắm nỗi gian truân, bao lần đau khổ. Nào là thân thể bệnh hoạn, nào là gặp cảnh bất như ý, nào là làm ăn thất bại, nào là tình đời đen bạc..., ôi làm sao mà kể cho hết. Ðời sống của chúng ta đã khổ như thế, đời sống của người nào có khác gì? Tại sao chúng ta không thương yêu, không thông cảm, cùng chia sớt nỗi khổ cho nhau, lại ôm thù chuốc hận làm gì? Ðã cùng chung thân phận đau khổ như nhau, chúng ta nên khuyên lơn an ủi để làm vơi cạn đôi phần đau khổ cho nhau. Ðây là hoa tình thương đang chớm nở trong lòng chúng ta.
Cuối cùng chúng ta hãy quán sát những người trước và những người đồng thời với chúng ta có ai hoàn toàn hạnh phúc chăng? Những người trước chúng ta, có những kẻ một thời nổi tiếng hào hoa phong nhã, đến nay chỉ còn thân tàn ma dại; có những người một thuở oanh liệt hào hùng, nhưng hiện nay là kẻ phế nhân; có những người trước kia thừa tiền mứa của, nay chỉ còn là kẻ bần hàn... Ðến những người sống đồng thời với chúng ta, có những bạn thân đã từ giã chúng ta đi về thế giới bên kia; có những người đang bị bán thân nằm trên giường bệnh; có những kẻ làm ăn không đủ sống; có những người thừa của thì con cái lại mất nết hư thân... Những kẻ trước và người đương thời kể cả chúng ta có ai dám bảo rằng "đời tôi hoàn toàn hạnh phúc". Cuộc đời đã không hạnh phúc thì chúng ta say mê nó để làm gì? Tại sao chúng ta không đánh thức nhau, lay tỉnh nhau, đừng để cạm bẫy của cuộc đời lừa. Hạnh phúc của cuộc đời chỉ là cái bóng mờ trước mắt, đuổi bắt chúng chỉ chuốc nhọc nhằn. Vì tranh nhau đuổi bắt hạnh phúc nên con người phải va chạm nhau, nảy sanh oán hờn, thù địch nhau, tạo thành chuỗi khổ đau vô tận. Chúng ta xét kỹ, thấy rõ rồi cố gắng đánh thức, kêu gọi nhau hãy dừng chân, đừng đuổi bắt vô ích. Ðây là tình thương chân thật phát xuất từ đáy lòng của chúng ta.
Qua ba phần quán sát trên khiến chúng ta mở sáng con mắt trí tuệ, từ đây dấy khởi tình thương chân thật. Chính tình thương này mới không bị giới hạn, không có điều kiện hạn chế, và mở rộng thênh thang. Nhờ trí tuệ sáng ngời này, ba thứ độc tham sân si mới chịu lui bước. Song muốn có trí tuệ, chúng ta phải có những giây phút an tĩnh, ngồi lại quán sát tận tường. Chúng ta đừng bị suốt ngày chôn mình trên bàn giấy, trong cơ xưởng, tối lại dán mắt trên màn ảnh Ti-vi, thì trí tuệ chúng ta không có cơ hội phát triển.
Tuy nhiên cội nguồn tình thương chưa hẳn khô cạn, vẫn còn những mạch nước ngầm trong lòng đất nhân loại mà chúng ta ít khi khơi dậy. Chính đây là những tia hy vọng của con người, của những nhà đạo đức chân chính.
Một bà Phật tử thuật chuyện cho tôi nghe: Bà là người đang sống ở đô thị, quê bà ở tỉnh Vĩnh Long cách xa tỉnh khoảng hai chục cây số. Một lần bà về quê, đến tỉnh Vĩnh Long sang xe về quê bà. Một chiếc xe cũ kỹ mà hành khách chật như nêm, xe chạy khỏi tỉnh khoảng năm cây số, có một hành khách đón xe giữa đường. Xe dừng rước khách, bà thấy một cậu thanh niên độ trên hai mươi tuổi, mặc quần cụt, áo sơ mi. Chú lơ xe thúc lên nhanh, cậu thanh niên vội vàng phóng lên xe, chân chạm phải cánh cửa xe, toác da đổ máu. Cậu ta ngồi xuống bên cạnh bà mà vết thương ở bắp chân vẫn tuôn máu. Bà trông thấy liền mở túi xách lục soát tìm được một ít bông gòn, bà xé đưa cậu ta bảo chặm máu và đè cứng chỗ vết thương. Bà lục trong túi được chai thuốc đỏ, mớ bông gòn còn lại bà thấm thuốc đỏ đắp lên vết thương. Thấy máu còn chảy, bà lôi chiếc khăn tay trong túi ra, xé đôi, băng nịt lại thật chặt. Kế còn thừa một ít bông gòn, bà thấm thuốc đỏ lau chung quanh vết thương cho cậu. Cậu thanh niên được bà cụ bảy muơi tuổi săn sóc vết thương một cách nhiệt tình chân thiết, khiến đôi mắt cậu nhìn bà với vẻ ngạc nhiên kính quí. Mọi người trên xe đều hướng mắt nhìn bà với cái nhìn mến phục. Ðến điểm xuống xe, cậu thanh niên bước xuống trước, vết thương ở chân đã khô máu, bà cụ xuống sau. Cậu chờ bà cụ xuống xong, cúi đầu chào bà rồi mới ra đi, đi một đoạn cậu còn nhìn xem bà lão đi về lối nào!
Cũng bà Phật tử trên, bà dẫn một đứa cháu ngoại trai độ mười ba tuổi lên Tu viện Chân Không thăm chúng tôi. Gặp lúc chư Tăng xẻ mít chín, nhằm loại mít ngon nhất vườn chùa để dùng trong nửa giờ nghỉ công tác, thầy Tri khách chia hai bà cháu một phần khiêm nhường dùng lấy thảo. Hai bà cháu dùng độ muời múi mít, còn lại một phần ba, bà bảo cháu: "Bà cháu mình nhường một phần ba này để cho người ăn xin." Thằng bé đang ăn ngon miệng đành phải dừng tay. Bà đi tìm một bao nylon rửa sạch, lột từng múi mít bỏ vào bao nylon, xong xuôi bà cột lại để vào túi xách. Vài giờ sau, hai bà cháu từ giã chúng tôi xuống chợ về thành phố. Xuống chợ, bà đi tìm những người ăn xin tặng mít cho họ xong, bà mới lên xe về. Mấy múi mít thật không có giá trị bao nhiêu, nhưng khi mình đang ăn ngon miệng mà nhớ đến những người ăn xin ở đầu đường xó chợ không được nếm món ăn này, bà liền dừng tay, ngăn cháu để nhường phần cho những người xấu số ấy. Thật là một tấm lòng vàng ngọc, một tình thương tràn trề ở thế gian này ít thấy. Thử nghĩ nếu tất cả chúng ta đều có một tình thương vô hạn như bà thì xã hội đang nghèo khó của chúng ta sẽ giảm khổ đau biết mấy. Còn nhiều người có tấm lòng vàng như bà, hoặc trội hơn, mà chúng tôi chưa biết, có khi đã biết mà lại quên. Mong rằng nhân loại sẽ được nhiều người luôn nhớ đến những kẻ khổ đau, để chia cơm xẻ áo với họ, khiến hành tinh chúng ta sẽ trở thành cõi Cực lạc ở mai sau.
Tình thương vô điều kiện không giới hạn, nhà Phật gọi là tâm từ bi. Tâm từ bi này nhờ động cơ trí tuệ thúc đẩy mới đủ sức đập tan những cánh cửa bản ngã, gia đình, phe nhóm, tôn giáo, quốc gia... mở rộng thênh thang không giới hạn. Người sẵn tâm từ bi thì, khi mình được ăn ngon nhớ đến kẻ đói khát, mình thành công thương người thất bại, mình vui sướng nhớ đến kẻ khổ đau, mình giàu sang nghĩ đến kẻ nghèo khó, mình hơn thương kẻ thua..., do đó mà dứt được tâm ích kỷ ngạo mạn. Nhân loại đang đau khổ lắm rồi, chúng ta không thể dang tay cứu vớt hết được, ít ra chúng ta cũng đừng chồng chất khổ đau thêm, khiến quá sức chịu đựng của con người. Chúng ta hãy kêu gọi nhau thức tỉnh cơn ngủ si mê, đừng chạy theo tham lam cuồng nộ, dừng tay gieo rắc đau khổ lên nhau. Hạnh phúc không bao giờ có nơi con người ích kỷ tham lam. Hạnh phúc không bao giờ có ở con người si mê cuồng nộ. Hạnh phúc chỉ có với người luôn chan rải tình thương.
CUỘC ÐỜI TƯƠNG ÐỐI MÀ !
Hầu hết chúng ta đều mắc phải cái bệnh "đòi hỏi tuyệt đối". Giàu thì muốn mình giàu hơn tất cả, sang cũng muốn mình sang hơn tất cả, cho đến đẹp, giỏi, khen, đều là hơn tất cả. Có cái gì thua kém hơn người là buồn, tủi, bực dọc, không hài lòng. Do đó cuộc sống ít khi có hạnh phúc, vì thấy mình còn thua người này kẻ nọ. Hoặc than trách người thân của mình sao không được như ý mình muốn. Những nỗi khổ đau buồn bực ấy đều do không hiểu "cuộc đời tương đối mà!"
MUÔN VẬT TƯƠNG ÐỐI
Muôn vật hiện có trên cõi đời đều là tương đối. Người thì có nam nữ, loài vật thì có giống cái giống đực, điện thì có điện âm điện dương..., từ lý tương đối ấy mà sanh ra vạn vật. Chính lý tương đối là gốc sinh hóa vô cùng vô tận. Nếu chúng ta tách rời sự vật ra từng phần đơn độc thì sự sinh hóa phải dừng lại. Cuộc sống chúng ta là tương quan trong cái đối nghịch, sinh trưởng trong cái chống chọi. Như thế, chúng ta làm sao tìm ra sự bình an hoàn toàn, sự hạnh phúc miên viễn trong cuộc đời tương đối. Sáng suốt nhất là, chúng ta nhìn sự tương đối là lý đương nhiên, không oán hờn, không trách cứ trước mọi sự việc trái ngược nhau. Ðồng thời chúng ta khéo lợi dụng lý tương đối tạo thành những công năng hữu ích cho con người. Thí dụ nước với lửa là đối nghịch nhau, song chúng ta khéo dùng lửa đun sôi nước để nấu chín các thức ăn... Ðiện âm điện dương đối nghịch nhau, chạm nhau là tóe sáng, con người khéo lợi dụng sự phát sáng đó tạo ra vô số công năng của điện... Chừng đó chúng ta mới thấy sự hữu dụng của nước và lửa, của điện âm và điện dương phục vụ cho con người một cách hữu hiệu. Chúng ta cứ sợ nước dập tắt lửa, tách rời xa chúng thì chúng ta có được lợi gì trong cuộc sống. Như vậy, chúng ta không sợ sự đối nghịch của vạn vật, mà chỉ khéo léo sử dụng sự đối nghịch một cách hữu hiệu trong cuộc sống của chúng ta.
BẢN THÂN CON NGƯỜI TƯƠNG ÐỐI
Con người có hai phần vật chất và tinh thần, cả hai phần này đều là tương đối.
Phần vật chất. - Ðức Phật phân tích một cách đơn giản, trong cơ thể con người do bốn thứ cấu tạo thành. Phần cứng rắn là đất, phần thấm ướt là nước, phần nóng ấm là lửa, phần chuyển động là gió. Bốn phần này chung họp làm thân con người và tồn tại một thời gian. Nếu thiếu một trong bốn phần, thân này phải bại hoại. Bản thân bốn phần này lại đối nghịch nhau, nước chống với lửa, gió chọi với đất. Cho nên trong thân khi nước thịnh lửa suy thì sanh ra bệnh lạnh, hoặc phù thũng..., ngược lại khi lửa thịnh nước suy thì sanh ra bệnh nóng, nhức đầu..., khi gió thịnh đất suy thì sanh ra bệnh đau nhức khắp thân thể; khi đất thịnh gió suy thì sanh ra bệnh tê liệt, khó thở... Do đó mang thân này suốt đời chúng ta phải lo điều hòa tứ đại. Tứ đại được điều hòa thì thân mới khỏe mạnh an ổn, ngược lại thì đau yếu liên miên. Bốn thứ đối nghịch này, chúng ta có nên hủy hoại nó không, nếu chúng ta còn muốn sống? Hay mỗi ngày chúng ta cố gắng điều hòa chúng để cho thân này được an ổn. Bốn thứ thù địch nhau, song nhờ bốn thứ mà thân này mới tồn tại. Như thế, chúng ta sợ ghét sự chống đối hay khéo điều hòa sự chống đối? Muốn thân này được sống còn an ổn, không cách nào hơn chúng ta phải biết điều hòa chúng một cách thích hợp. Ðó là khôn ngoan, là biết sống.
Phần tinh thần. - Nội tâm chúng ta đối nghịch nhau rất là phức tạp. Ở đây tạm chia tâm niệm thiện và tâm niệm ác đối nghịch nhau. Song khi niệm ác dấy lên thì niệm thiện ẩn đi, ngược lại khi niệm thiện dấy lên thì niệm ác trốn mất, hai thứ đối nghịch mà không đồng thời. Vì thế nếu biết tu, chúng ta luôn luôn nuôi dưỡng niệm thiện thì niệm ác lặn mất. Nếu người không biết tu, cả ngày dung chứa niệm ác thì niệm thiện không bao giờ xuất hiện. Nuôi dưỡng niệm thiện là bậc hiền thánh, dung chứa niệm ác là kẻ bạo tàn. Chúng ta trọn quyền tạo lập cho mình một chỗ đứng vào hàng thánh thiện, cũng chính chúng ta tự bước lùi vào hang quỉ, chỗ thú cầm. Không ai bắt buộc, không ai lôi kéo chúng ta đến nơi này hay nơi nọ. Do đó, đức Phật dạy chúng ta tu quán Từ bi để trừ tâm sân hận, quán Tứ niệm xứ để diệt mê lầm, hoặc niệm danh hiệu Phật để át tạp niệm... Chúng ta có đủ khả năng làm hiền thánh, chúng ta cũng có đủ chủng tử ngạ quỉ, súc sanh. Bởi vậy nói tu tâm là chúng ta khéo điều phục những tâm niệm xấu ác, nuôi dưỡng những tâm niệm hiền thiện. Khi sắp lâm chung, những tâm niệm nào mạnh sẽ lôi chúng ta đến cảnh tương xứng. Vì tâm niệm là gốc của luân hồi sanh tử.
Thế thì bản thân chúng ta từ vật chất đến tinh thần đều là tương đối. Như vậy, chúng ta không ưa tương đối, chạy trốn tương đối có được không? Quả là điều dại khờ. Chúng ta phải khôn ngoan sáng suốt tìm mọi cách điều hòa cho thân an ổn, chinh phục cho tâm hiền thiện. Ðây là việc làm của người biết sống và sống vươn lên.
TƯƠNG QUAN MÌNH VÀ NGƯỜI
Trong cuộc sống tương quan giữa mình và mọi người chung quanh, hầu hết chúng ta mắc phải cái bệnh "cầu toàn trách bị". Chúng ta đòi hỏi những người sống gần với mình phải vẹn toàn một trăm phần trăm (100%) như ý mình muốn, phải đầy đủ hoàn toàn những điều như tâm mình tưởng. Nếu những người thân chỉ được tám chục phần trăm (80%) trong sự đòi hỏi của mình, sống gần gũi lâu ngày còn hai chục phần trăm bất như ý này sẽ làm cho chúng ta sinh bực bội chán chường. Sao chúng ta không đặt lại câu hỏi, chính mình có được vẹn toàn mọi điều như ý mình muốn chăng? Hẳn là không. Mình đã không được vẹn toàn, sao lại đòi hỏi người phải vẹn toàn, có phải là bất công, phi lý không? Ngày xưa ở các nước Ðông phương quyền lập gia đình cho con cái là ở cha mẹ, cha mẹ định sao con cái phải nghe vậy. Do đó có những gia đình vợ chồng không hòa thuận vì không cảm thông nhau, nên đi đến đổ vỡ ly dị. Ngày nay ở các nước Tây phương con cái được quyền chọn lựa đôi bạn cho mình. Họ còn có quyền sống gần với người họ chọn lựa một thời gian, sau mới quyết định thành đôi bạn hay không, cha mẹ không được can thiệp đến đời tư của họ. Thế mà khi đã thành đôi bạn, lại vẫn ly dị nhau. Ðây là lỗi tại ai, cha mẹ ép buộc chăng? Quả thực đây là cái bệnh đòi hỏi vẹn toàn một trăm phần trăm (100%) theo ý mình muốn. Bởi không có ai thỏa mãn sự đòi hỏi của mình nên từ thân biến thành sơ. Thế là cứ ly dị mãi, đến già trở thành người cô độc. Chúng ta còn thêm lắm bệnh. Nào là muốn ai cũng khen mình, có người chê là buồn khổ. Muốn mọi người gần mình phải tuyệt đối tuân theo sự sắp đặt của mình, nếu 80 điều họ theo, còn 20 điều họ chống là giận dữ bực tức. Ðòi hỏi người thân của mình phải tốt tuyệt đối, nếu họ có vài ba điều xấu liền chán nản muốn lánh xa. Ðến tình cảm thương yêu cũng vậy, bắt buộc người thân của mình phải thương yêu mình tuyệt đối, nếu bị chia xẻ cho ai, dù người ấy là thân thuộc hợp lý, vẫn cảm thấy buồn. Chính vì lòng tham lam đòi hỏi quá đáng, khiến người chung quanh chúng ta từ từ muốn xa lánh chúng ta. Ðây là vì không biết cuộc đời là tương đối, nên không thông cảm với mọi người chung quanh, kết quả tự chuốc lấy khổ đau cô độc. Trái lại, chúng ta tập nhìn mọi người với cặp mắt tương đối, không đòi hỏi quá đáng, dễ cảm thông tha thứ nhau. Ðược vậy đời sống sẽ vui tươi, người thân đông đảo, dễ dàng đạt được hạnh phúc.
BỆNH THẦN TƯỢNG
Chúng ta dễ mắc cái bệnh "thần tượng hóa" người mình quí kính. Người mình quí kính là thánh thiện một trăm phần trăm (100%), nếu thân cận thời gian, thấy vị ấy có một vài điều còn phàm tục, "thần tượng" liền sụp đổ. Từ đây ta sanh tâm khinh lờn cho đến bất mãn, không còn tin tưởng vào ai nữa. Ðây là một trọng bệnh, khiến ta tự cao ngạo mạn, mất hết lòng tin. Khi trước do tin vào bậc thầy thánh thiện nên ta tinh tấn tu hành, nay mất lòng tin rồi nên sanh bê tha hư đốn. Tại sao ta không xét nét kỹ càng xem, bậc thầy kia hơn mình bao nhiêu phần? Nếu ta có hai mươi phần trăm (20%) tốt, vị thầy có đến bốn chục phần trăm (40%) hay sáu chục phần trăm (60%) thì rất đáng cho mình học tập theo. Vì vị ấy đã tốt hơn mình gấp đôi gấp ba, còn chê trách nỗi gì. Bởi vì vị thầy chưa phải là thánh, là Phật làm sao hoàn toàn thánh thiện được. Chúng ta cảm thông vị ấy đang tu, là còn những cái dở để sửa, để bỏ. Bồ-tát vẫn còn vi tế vô minh, nếu sạch hết vô minh là thành Phật. Biết rõ cái tốt của những vị mình quí kính là tương đối thì mình kính tin vừa phải, chừng mực, không "thần tượng hóa". Nếu thấy vị ấy còn vài nét phàm tục, mình cũng cảm thông tha thứ, vì đây là người đang tu đang tiến, đừng đòi hỏi quá đáng. Hoặc giả ngày xưa mình tin vào vị thầy gần như tuyệt đối, vị ấy dạy gì mình cũng cố gắng làm cho được, nhờ đó trên đường tu mình tiến bộ vượt bậc. Nay mình mất lòng tin ở vị thầy ấy, sinh tâm lui sụt, đây là điều sai lầm. Tại sao mình không nghĩ, ta tu là ta tiến, thầy tu thì thầy tiến. Ðâu phải thầy tu hay ta mới tiến, thầy tu dở ta bị lùi. Phải tin vào mình, phải trông cậy vào mình. Phật dạy "các ông phải tự thắp đuốc lên mà đi", lại "các ông phải tự làm cồn đảo cho mình". Thế nên, không vì "thần tượng sụp đổ" mà ta lùi bước. Chính chúng ta phải nhìn các bậc thầy quí kính vẫn là tương đối, thì chúng ta khỏi chới với khi trông thấy vài nét phàm tục của các Ngài.
LỤC TỔ DẠY BA MƯƠI SÁU PHÁP ÐỐI
Trong kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục tổ dạy đệ tử sau này có ai hỏi đạo nên dùng 36 pháp đối để trả lời thì không sai tông chỉ nhà Thiền. Nếu người hỏi "có" lấy "không" đáp, người hỏi "sáng" lấy "tối" đáp... Tại sao? Vì nhân nơi "không" mà lập "có". Bởi có cái "không" mới thành lập cái "có", không có cái "không" thì cái "có" cũng chẳng thành. Ngược lại, nhân cái "có" mà lập cái "không", nếu chẳng có cái "có" thì cái "không" cũng vô nghĩa. Ðến cái sáng cái tối cũng thế. Do tối mới lập sáng, nhân sáng mất nói là tối. Hai cái nương nhau mà thành, không có thật pháp. Tất cả sự vật ở thế gian đều là đối đãi nhau mà lập, không có một pháp nào thật. Thế mà chúng ta chấp thật pháp, thật ngã, tăng trưởng si mê, chìm đắm mãi trong biển luân hồi sanh tử. Dưới con mắt của Phật, của Tổ thấy rõ các pháp như huyễn như hóa, nên các ngài ung dung tự tại vượt ra ngoài vòng sanh tử luân hồi. Thấy tất cả là tương đối hư giả là cái thấy của người giác ngộ.
CHỈ TÂM CHẲNG SANH CHẲNG DIỆT LÀ TUYỆT ÐỐI
Tuy nhiên trong cuộc đời tương đối vẫn có cái tuyệt đối mà ít ai biết đến. Chúng ta cứ quen chạy theo hình sắc thanh âm là những thứ vô thường sanh diệt. Ngay cái sanh diệt lại đòi cho được tuyệt đối, quả là chúng ta bắt bóng mò trăng. Làm gì có, ngay cái đối đãi sanh diệt lại là tuyệt đối vô sanh. Khi chúng ta vin theo hình thức sự vật mà mong được cái chân thật chẳng sanh chẳng diệt. Hãy nghe hai câu sau trong bài kệ trình kiến giải lên Ngũ tổ của người cư sĩ họ Lư: "Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ."(Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai) Có vật là vô thường sanh diệt, dù cứng như chất kim cương cũng là vô thường sanh diệt. Chỉ có tâm thể không hình tướng, không dấy động mới là bất sanh bất diệt. Tâm thể vượt ngoài đối đãi hai bên, vĩnh hằng bất biến. Vừa thấy hai bên là mất tâm thể rồi. Cho nên Tổ Tăng Xán kết thúc bài Tín Tâm Minh (Ghi Tin Tâm) nói "Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm" (Tin tâm không hai, không hai tin tâm). Có hai là còn đối đãi, không hai thì đối đãi với cái gì. Chính cái vượt ngoài đối đãi mới thật là tuyệt đối. Cái tuyệt đối có sẵn nơi mọi con người chúng ta, không phải tìm kiếm bên ngoài. Biết buông tâm niệm đối đãi, sống bằng thể không đối đãi là người giác. Trái lại, chạy theo tâm niệm đối đãi sanh diệt, quên mất tâm thể bất sanh bất diệt là người mê.
KẾT THÚC
Con người chán nản ê chề khổ đau cùng cực, vì những thần tượng của mình dựng lên đều sụp đổ. Còn tin tưởng vào đâu khi lòng tin tuyệt đối dồn vào các thần tượng, mà nay tan vỡ hết rồi. Ðây là người mắc bệnh thiếu thực tế, lúc nào cũng lý tưởng hóa kẻ khác. Khi lý tưởng bị thất vọng, họ đâm ra thù ghét chán chường. Cộng thêm bệnh đòi hỏi quá đáng, khiến họ không bằng lòng một người nào trên thế gian này. Thế là, họ đang sống trong đông đảo quần chúng, mà cảm thấy như mình lang thang trong bãi sa mạc. Sự chán đời tuyệt vọng của những người này phát xuất từ sự gởi gấm tất cả lòng tin vào kẻ khác. Chúng ta phải khôn ngoan nhìn mọi người bằng con mắt tương đối, tin mọi người bằng lòng tin giới hạn. Chúng ta sẽ bằng lòng trong cuộc sống này, và sẽ cảm thông tha thứ những người thân với mình khi họ phạm phải sai lầm. Chúng ta còn chỗ nương tựa duy nhất là chính mình. Mình sẵn có hòn ngọc quí mà lâu nay đã quên lãng. Hôm nay khéo tay mở chéo áo lấy hòn ngọc đem ra dùng, đời ta sẽ hạnh phúc biết là bao!